Về bảo hiểm xe máy, theo tôi, cần bổ sung thêm phần trách nhiệm dân sự chủ xe đối với hành khách. Hiện nay, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe hai bánh đã được thừa nhận và rất phố biến (xe ôm, xe ôm công nghệ Grab, Bee, GoViet), nên người hành nghề xe ôm công nghệ cần mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách.
Về thời hạn bảo hiểm (Điều 10 Dự thảo), nên tiếp tục duy trì thời hạn 1 năm như hiện tại. Nếu tham gia tới 3 năm, trong thời hạn bảo hiểm còn hiệu lực, nếu chính sách thay đổi (tăng, giảm mức trách nhiệm bắt buộc) sẽ khiến chứng nhận bảo hiểm mất hiệu lực pháp luật.
Hoặc, áp dụng theo thời hạn đăng kiểm như thu phí đường bộ và thu qua đăng kiểm (đối với xe buộc phải đăng kiểm).
Do đó, tôi đề xuất bỏ quy định phải có hóa đơn và cụm từ “do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm”, thay bằng quy định chung là “Tài liệu, biên bản, chứng từ chứng minh thiệt hại của bên thứ ba”.
Theo ông có nhất thiết phải có hồ sơ tai nạn của cơ quan có thẩm quyền không?
Về yêu cầu hồ sơ tai nạn của cơ quan có thẩm quyền, Mục 4, Điều 14 của Dự thảo quy định hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền là tài liệu phục vụ cho việc xác định nguyên nhân thiệt hại, mà xác định nguyên nhân là nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Thực tế không phải vụ tai nạn nào cũng có cơ quan có thẩm quyền giải quyết (Xe đâm va trong sân nhà, sân cơ quan, hầm chung cư, bị ở vùng sâu, vùng xa cơ quan chức năng không thể có mặt ngay). Do đó, theo tôi, không bắt buộc phải có hồ sơ tai nạn của các cơ quan có thẩm quyền, trường hợp tai nạn không có cơ quan có thẩm quyền giải quyết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tự xác minh nguyên nhân, lập biên bản có sự tham gia của các bên làm cơ sở bồi thường.
Về thời hạn nộp hồ sơ bồi thường, Mục 2, Điều 15 Dự thảo quy định: “Trong vòng 05 ngày không thể có được hồ sơ yêu cầu bồi thường đầy đủ”. Cần sửa lại ghi rõ là trong vòng 05 ngày người được bảo hiểm phải làm thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường.
Là đơn vị trực tiếp tham gia giải quyết các vụ bồi thường trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới ở góc độ người được bảo hiểm, ngoài đóng góp đối với dự thảo Nghị định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe giới, chúng tôi cũng muốn đề xuất giải pháp mới triển khai loại hình bảo hiểm này, để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới phát huy đúng bản chất là một chính sách an sinh xã hội, phi lợi nhuận, đảm bảo tối đa lợi ích của người dân.
Cụ thể của các giải pháp mới đó là gì, thưa ông?
Theo tôi, cần thay đổi cách triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Không để doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ này, mà Nhà nước trực tiếp triển khai trên nền tảng công nghệ thông tin.
Bởi thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang kinh doanh nghiệp vụ này không theo tiêu chí cân bằng thu chi, xa rời mục đích phi lợi nhuận, an sinh xã hội. Chi phí kinh doanh quá cao, vượt khung quy định của Bộ Tài chính để cạnh tranh, và bù đắp lại bằng việc xâm hại quyền lợi khách hàng khi giải quyết bồi thường.
Một phần lớn phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự thu được rơi vào kênh phân phối, mà không đến được người tham gia bảo hiểm và các nạn nhân trong các vụ tai nạn. Mức chi phí kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô hiện có doanh nghiệp lên đến 40%, xe máy lên đến 70% hoặc hơn.
Nguyên nhân chính do kênh phân phối truyền thống quá tốn kém. Ví dụ, bảo hiểm xe máy tỷ lệ bồi thường chỉ 6% (tương đương phí thuần 3.600 đồng/xe), nhưng nếu hạ phí xuống mức 10.000 đồng thì không thể bán được sản phẩm này qua kênh truyền thống, vì sẽ không ai đi bán một tờ bảo hiểm xe máy chỉ nhận được 2.000 đồng hoa hồng.
Ở mức phí 60.000 đồng, chi phí bán hàng đến 70% mới đủ trả cho các cấp của kênh phân phối, quá tốn kém.
Liệu hệ thống công nghệ thông tin hiện tại có đủ sức vận hành hệ thống bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới này không, thưa ông?
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, số hóa sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự và thay đổi cách quản lý, phân phối sẽ tập trung được quỹ bảo hiểm lớn, không bị thất thoát và hạn chế tranh chấp, tiêu cực. INFAIR đề xuất chính sách triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo hướng Nhà nước trực tiếp triển khai và quản lý tập trung quỹ bảo hiểm hiểm xe cơ giới (toàn bộ phí bảo hiểm thu được).
Phương pháp triển khai cụ thể:
Với thu phí xe máy: Nhắn tin theo cú pháp định danh biển số xe, phí trừ trực tiếp vào thuê bao điện thoại, hoặc thu qua tài khoản ngân hàng, tương tự như EVN đang thu tiền điện hàng tháng.
Với thu phí ô tô: Thu qua hệ thống đăng kiểm tương tự như đang thu phí bảo trì đường bộ, thời hạn bảo hiểm theo thời hạn đăng kiểm xe.
Toàn bộ dữ liệu xe tham gia bảo hiểm được đồng bộ hóa và quản lý tập trung, mọi chủ xe và cảnh sát giao thông đều truy cập được thông tin bảo hiểm, tương tự như tra cứu hiệu lực đăng kiểm xe đang áp dụng.
Về giải quyết bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp phụ trợ bảo hiểm làm đại lý giải quyết bồi thường và hưởng thù lao. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bắt buộc phải giải quyết bồi thường, tạm ứng chi phí bồi thường khi nhận được thông báo tai nạn của chủ xe bất kỳ.
Chúng tôi cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay và xu hướng phát triển của dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trong thời gian tới, việc số hóa bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới hoàn toàn khả thi, giúp quản lý tập trung, giảm thất thoát phí, tập trung được một nguồn tiền lớn góp phần giảm thiểu hậu quả các vụ tai nạn giao thông, giảm sức ép lên ngân sách nhà nước.
INFAIR rất mong muốn cơ quan quản lý nghiên cứu triển khai và INFAIR sẵn sàng đóng góp ý tưởng, giải pháp cùng cơ quan quản lý, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển.