Đa dạng thiết kế ô tô bay
Diễn biến mới nhất trong ngành ô tô bay chính là sự ra mắt của một phương tiện đặc biệt mang tên Jet do Lilium, một công ty khởi nghiệp tại Đức chế tạo. Xuất hiện trong video công bố, phương tiện bay màu đen trắng với hình dáng khá đặc biệt, không có đuôi, bánh lái, hộp số và chỉ có duy nhất một bộ phận chuyển động trong động cơ.
Phương tiện này có 5 chỗ, có thể hoạt động với một phi công hoặc ở chế độ bay không người lái. Trong cảnh quay dài khoảng 15 giây, chiếc máy bay 5 chỗ chầm chậm rời mặt đất, bay lên khoảng vài mét, nhờ sự điều khiển của một phi công có bằng lái.
Chuyến bay thử thành công đưa Lilum dẫn đầu các công ty đang ấp ủ hy vọng chế tạo máy bay điện cỡ nhỏ có thể cất/hạ cánh theo chiều thẳng đứng (VTOL) hay còn được gọi với cái tên khá mỹ miều đó là: Ô tô bay.
Công ty của Đức khẳng định, cuộc thử nghiệm thành công đánh dấu bước tiến lớn trong ngành khởi nghiệp ô tô bay và xa hơn nữa là taxi bay vì nó là nguyên mẫu có thể cho phép sản xuất hàng loạt, hứa hẹn có thời gian bay/ lần sạc lâu hơn các đối thủ khác.
Với thiết kế này, Lilium dự kiến xây dựng một đội bay để phục vụ nhu cầu đi lại tại một số thành phố trên thế giới tính đến năm 2025. Dịch vụ taxi bay này sẽ không phát thải, có tốc độ nhanh hơn taxi thường 5 lần và ít tiếng ồn hơn xe máy.
Đơn cử, một chuyến bay từ quận Manhattan (trung tâm TP New York, Mỹ) đến sân bay quốc tế John F. Kennedy, Mỹ có giá chỉ 70 USD với thời gian bay vỏn vẹn 6 phút. Trong khi, cùng quãng đường đó, taxi sẽ mất ít nhất 1 tiếng với mức giá tương đương. Để sử dụng dịch vụ của hãng, khách hàng có thể đặt qua ứng dụng trên điện thoại.
Ngoài Lilium, hiện tại, có ít nhất 16 công ty khác đang chế tạo ô tô bay hoặc taxi điện nhưng chỉ một số công ty thử nghiệm thành công, theo tờ Transport Up. Vahana, công ty khởi nghiệp do tập đoàn hàng không vũ trụ Airbus làm chủ đã thực hiện 50 chuyến bay thử với tổng số 5 giờ bay. Cả hãng sản xuất máy bay Boeing và công ty khởi nghiệp của Mỹ Kitty Hawk cũng đã đưa VTOL của mình bay thử suôn sẻ.
Trong tháng 5 này, Uber cho biết, họ đang làm việc với 5 công ty để phát triển ô tô bay, dự đoán sẽ thử nghiệm kinh doanh taxi vào năm 2020 và đi vào vận hành các chuyến bay thương mại đến năm 2023. Tại Hà Lan, PAL-V một công ty công nghệ của nước này đang chuẩn bị bán 2 mẫu ô tô bay với giá 400.000USD và 600.000USD.
Ngoài ra, một số công ty đã và đang tiếp cận giới chức các nước để xây dựng quy định quản lý loại phương tiện này.
Ô tô bay Vahana của Airbus
Hạ tầng cũng gần sẵn sàng
Để chuẩn bị hạ tầng đón đầu xu thế ô tô bay, nhiều nhà thiết kế bắt đầu nghiên cứu và phát triển sân ga, điểm đỗ chuyên dụng. So sánh với chi phí xây hạ tầng cho tàu ngầm, sân bay, kinh phí để xây dựng hạ tầng cho VTOL thấp hơn nhiều do chỉ cần một chỗ đỗ tương tự như sân đáp trực thăng cùng không gian đỗ xe xung quanh.
Hiện tại, đã có một cơ sở sẽ cho phép VTOL hoạt động gần đi vào thực tiễn, nằm trên nóc tòa tháp sang trọng Paramount Miami Worldcenter 60 tầng, mang tên Skyport (dịch tạm là cảng trời).
Cảng trời tại Paramount là thiết kế của ông Dan Kodsi. Kể từ khi tiết lộ kế hoạch vào năm ngoái, đến nay, trong chưa đầy một năm, ông Kodsi đã tuyên bố, “đứa con” của mình sắp ra đời. Theo thiết kế của ông, bình thường, nóc toà Paramount vẫn là đài quan sát trên cao.
Khi ô tô bay thực sự đi vào hoạt động, nơi đây sẽ biến thành chỗ đỗ xe và đón khách.Qua thang máy bằng kính, hành khách sẽ được đưa lên nóc của Paramount, từ đây lên taxi. Ông Kodsi dự kiến, toàn bộ dự án Worldcenter sẽ hoàn tất trong cuối năm 2022.
Trước đó, một công ty khác của Đức cũng ra mắt tầm nhìn về hệ thống “Voloport” trên nóc nhà, dự kiến có thể đón 1.000 lượt khách lên/xuống taxi bay mỗi giờ, khoảng 10.000 lượt khách/ ngày.
Mỗi sân ga sẽ được trang bị hệ thống băng chuyền, thang máy, bộ pin thay thế… sao cho vừa có thể chứa lượng khách lớn nhất có thể, vừa đảm bảo ô tô bay luôn đầy đủ năng lượng và sẵn sàng bay.
Nhận định về triển vọng của xe ô tô bay, nhiều chuyên gia như Giáo sư Greg Keoleian chuyên về kỹ thuật tại Đại học Michigan cho rằng, ở quãng đường hơn 60 dặm (gần 100km), một phương tiện bay (VTOL) chở kín khách sẽ mang lại hiệu quả về tiết kiệm nhiên liệu, ít phát thải, bảo vệ môi trường hơn là một chiếc ô tô điện. Ngoài ra, khi chạy từ 21 dặm (khoảng 35km) trở lên, xe bay sẽ hiệu quả, ít ô nhiễm môi trường hơn ô tô chạy bằng xăng.
Mặt khác, trong bối cảnh đất chật, người đông, giao thông thường xuyên tắc nghẽn, việc xây dựng thêm hạ tầng giao thông đồ sộ như mở rộng đường, xây sân bay hay sân ga trở thành quá xa xỉ và taxi bay sẽ là phương tiện tránh tắc đường, tiết kiệm chi phí xây dựng hạ tầng hiệu quả.
[Chi tiết]